Xin chào mọi người với khoảng 2 năm làm việc tại nhà máy sản xuất 100% vốn Nhật Bản với vị trí kỹ thuật viên bảo trì mình được phép viết những trải nghiệm, cảm nhận và góc nhìn cá nhân của bản thân về công việc này. Tất cả những gì trong bài viết chỉ là ý kiến và góc nhìn cá nhân xin đừng gạch đá.
MỤC LỤC:
1. MÔ TẢ CÔNG VIỆC BẢN THÂN
2. THỜI GIAN LÀM VIỆC
3. LƯƠNG
4. MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA MÌNH DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
5. SỰ CỐ THƯỜNG ĐƯỢC KHẮC PHỤC NHƯ THẾ NÀO?
6. TẠI SAO KHÔNG SỬA CHỮA CÁC LINH KIỆN HƯ HỎNG?
7. SỰ CỐ ĐIỆN HAY CƠ KHÍ?
8. KHI NÀO SỬA MÁY?
9. CẢI TIẾN
10. TÂM SỰ CÁ NHÂN
1.MÔ TẢ CÔNG VIỆC BẢN THÂN
Theo như mô tả trên Google: Công việc của một kỹ sư bảo trì (メンテナンスエンジニア) thường xuyên liên quan đến kiểm tra, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

Với những công ty lớn bảo trì được chia nhiều vị trí như: Bảo trì điện, bảo trì cơ khí, bảo trì định kỳ, bảo trì nhà xưởng,...
Còn với những công ty nhỏ và tầm trung như công ty mình thì tất cả công việc trên đều được bảo trì “ thầu” hết :))). Từ bảo trì định kỳ, khắc phục sự cố, cải tiến máy,... đến những việc linh tinh như sửa ống nước, dán layout, thay bóng đèn, sửa ống nước hoặc chuẩn bị hàng dùm bộ phận sản xuất chẳng hạn :)))

Túm lại, với những công ty máy móc hoạt động ổn định ít sự cố thì khoảng thời gian trống trong ca làm việc của vị trí bảo trì khá nhiều nên đương nhiên quản lý sẽ cho bạn làm những việc “không tên”. Nếu có 1 sếp kỹ thuật cứng có tiếng nói thì mọi chuyện đơn giản. Ngược lại, trường hợp mình chỉ có quản lý sản xuất nên khá là ...
2.THỜI GIAN LÀM VIỆC
Thường phải chuyển ca làm việc liên tục ở chế độ linh hoạt, đặc biệt nếu thiết bị sản xuất đang chạy liên tục trong 24 giờ. Thường ở Việt Nam đi ca làm việc 8 tiếng ca 1: 6h-14h, ca 2: 14h-22h, ca 3: 22h-6h hoặc ca 12 tiếng ca ngày: 6h~8h -18h~20h ; ca đêm: 18h~20h - 6h~8h. Mình đi ca 12 tiếng.

3.LƯƠNG
Không quá cao so với mặt bằng chung, mỗi năm tăng lương ở bậc trung bình ( chắc do dính mác ăn không ngồi rồi nên không được đánh giá cao). Ngoài ra chỉ có lương cơ bản không có thêm phụ cấp hoặc tiền thưởng sản lượng,...
4.MỘT NGÀY LÀM VIỆC CỦA MÌNH DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
Bắt đâu nhận ca làm việc mình ngó ngàng xem mấy em máy của mình có gì thay đổi không nhân tiện chém gió với mấy em gái sản xuất. Sau đó lấy checksheet ra kiểm tra xem từng hạng mục.
Tiếp theo kiểm tra các hạng mục làm việc cố định như bảo trì định kỳ hàng tháng, kiểm tra thông số cài đặt, thay filter lọc,... để phân bố thời gian làm việc. Nếu là ca ngày có quản lý giám sát để vui lòng cấp trên mình sẽ chia thời gian sao cho hợp lý lúc nào cũng trong trạng thái làm việc. Còn nếu là ca đêm công việc sẽ diễn ra theo phương châm “xong sớm nghỉ sớm”.

5.SỰ CỐ THƯỜNG ĐƯỢC KHẮC PHỤC NHƯ THẾ NÀO?
Khi máy xảy ra lỗi đầu tiên phải xác nhận hiện trạng xảy ra lỗi đó. Những lỗi đã xảy ra trong quá khứ từng được xử lý thì không nói tới chủ nghĩa “kinh nghiệm” lên ngôi mọi việc đơn giản . Với những lỗi mới có cảnh báo và xuất thông báo ra màn hình HMI xác nhận xem lỗi báo ảo do nhiễu hay không? Nếu máy không báo ảo sẽ tìm kiếm và khắc phục lỗi từ phần được cảnh báo đầu tiên sau đó tiếp tục kiểm tra các phần còn lại.

Với những lỗi không có cảnh báo việc xác nhận nguyên nhân khá vất vả. Phải kiểm tra toàn bộ, lần lượt từng bộ phận có khả năng bất thường, test chu kỳ hoạt động vân vân,... phải bằng mọi cách cho máy hoạt động lại được. Sau khi sửa chữa hoàn tất phải xác nhận bằng hình ảnh hoặc video báo cáo trên nhóm Zalo ngay sau đó ( với những lỗi nặng báo cáo bằng Mail), ghi chép toàn bộ vào ký lục sửa chữa và theo dõi máy sau khi khắc phục sự cố.

Thông thường các chi tiết máy, linh kiện khi gặp sự cố sẽ được thay thế mới nếu có. Nếu không có sẵn sẽ được khắc phục tạm thời sau đó sẽ đặt hàng linh kiện về thay thế. Trong trường hợp đã “hết thuốc chữa” tuyệt chiêu “ Vặt đầu cá vá đầu tôm” sẽ được thi triển. Tức là lấy linh kiện, thiết bị của máy cũ không hoạt động hoặc chờ chưa hoạt động để thay thế cho máy đang sản xuất gặp sự cố. Lúc mới vào công ty mình cũng khá bất ngờ với những máy “ Bề ngoài mướt mát nên thơ, bên trong phong cảnh hoang sơ lạ thường”...

Sau một thời gian chung sống mình đã với câu “ Lấy ở đó, thay đỡ đi em,...”

6.TẠI SAO KHÔNG SỬA CHỮA CÁC LINH KIỆN HƯ HỎNG?
Đơn giản là tiết kiệm thời gian . Áp lực thời gian khôi phục hoạt động máy móc sau khi gặp sự cố ở công ty sản xuất rất lớn. Nên linh kiện thiết bị hư là thay mới, nghi ngờ hư hỏng thay thử, trông nó cũ quá thay luôn,... Còn những thiết bị quá đắt hoặc không thể mua mới, những chi tiết cơ khí được gửi đến các công ty chuyên sửa chữa, nhà sản xuất linh kiện, công ty gia công để sửa chữa, gia công chi tiết mới,... còn bảo trì như mình thì cứ có đồ mới là thay vô cho đỡ “lăn tăn” :))).

7.SỰ CỐ ĐIỆN HAY CƠ KHÍ?
Câu trả lời đương nhiên là phần cơ khí. Đa số các máy móc phần điện được làm rất hoàn thiện nên khi vận hành hiếm khi xảy ra lỗi. Đặc biệt với nhưng công ty có hệ thống máy còn mới, máy có công suất nhỏ gần như sự cố về điện hầu như không xảy ra. Còn những chi tiết cơ khí do đặc thù sau 1 thời gian hoạt động sẽ bị mài mòn, lệch, giãn, ... cần vệ sinh, tinh chỉnh hoặc thay thế định kỳ ( như bạc đạn chẳng hạn). Vậy nên học điện nhưng chưa chắc được làm điện.

8.KHI NÀO SỬA MÁY?
Khi máy đã xảy ra lỗi đương nhiên rồi. Nhưng khi phát hiện ra máy có thể sắp xảy ra sự cố thì 50/50. Nếu nó nghiêm trọng, dừng máy xử lý lập tức còn máy móc gặp những vấn đề không quá nghiêm trọng như chỗ này lệch xíu, bạc đạn bể nhưng vẫn hoạt động được, thì mình cứ từ từ theo dõi thêm đã đợi đến lịch bảo trì định kỳ hàng tháng làm 1 lần.

9.CẢI TIẾN
Gần như không có gì để cải tiến thêm. Đa số những phần cải tiến là lắp thêm cảm biến, đèn báo viết 1 vài câu lệnh PLC, HMI để báo lỗi.
10.TÂM SỰ CÁ NHÂN
Theo mình nghề bảo trì máy ở Việt Nam là 1 nghề mang tính chất ổn định cao, phù hợp với những người có gia đình hoặc những người không thích sự biến động trong công việc. Công việc mang tính lặp lại, làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Sau 1 thời gian làm việc đã quen tất cả máy móc công việc khá dễ dàng đôi khi là rất rất nhàn hạ. Ngoài ra cũng sẽ học được khá nhiều thứ hay ho nếu chịu khó học hỏi.

Nói đi cũng phải nói lại, nghề này đôi lúc khiến bản thân mình khá là “chán” do tính ổn định trong công việc quá cao. Công việc lặp lại sự quen thuộc với máy móc nhiều lúc làm bản thân lười “tư duy”. Nếu là công ty đã thành lập được 1 thời gian, máy móc đã hoạt động ổn định thì thời gian “thực làm” chuyên môn đã được học khá ít khó nâng cao kỹ năng, tay nghề hay kiến thức nếu không chịu khó mò mẫm . Đặc biệt đôi lúc sẽ gặp những pha khó đỡ từ người sửa máy trước để lại ( thuật ngữ là đã “đạn” kk).

Lắm thầy thì nhiều ma, hết sức cẩn thận “đừng để ăn đạn nha em” Senpai mình từng nói vậy.

P/s: Tất cả những điều ở bài viết trên dựa trên góc nhìn và trải nghiệm cá nhân của bản thân. Hoàn toàn không mang những thành kiến quy chụp mong mọi người hoan hỉ.
Nếu có thắc mắc hay đóng góp ý kiến vui lòng nhắn tin cho chúng mình tại page bên dưới nhé.
Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của mọi người và hẹn gặp lại ở nội dung tiếp theo.
Mr Béo
Comments ()