RELAY: CẤU TẠO VÀ NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG
Từng đọc đâu đó trên mạng có người nói, PLC có thể bị thay thế bởi công nghệ tương lai nhưng mạch relay vẫn sẽ sống tốt. Vậy lý do tại sao Relay rất khó bị thay thế? Cùng tìm hiểu cấu tạo và cách thức relay cơ khí làm việc để tự tìm cho mình câu trả lời nhé!
Relay là một thiết bị nhận tín hiệu từ bên ngoài để thực hiện điều khiển đóng ngắt mạch điện.
Khi nhắc đến relay các bạn liên tưởng đến gì? Còn chúng tôi liên tưởng đến bộ môn chạy tiếp sức,tiếng Anh là “relay race”. Vậy thì relay với bộ môn chạy tiếp sức này có liên quan gì đến nhau. Vâng, ở đây chúng tôi muốn nhắc đến vai trò của relay. Relay có vai trò tương tự như việc vận động viên vừa chạy vừa trao gậy.
Relay khi nhận được tín hiệu, sẽ điều khiển đóng tiếp điểm cho phép tín hiệu truyền qua. Nhờ đó tín hiệu sẽ được truyền đến thiết bị tiếp theo.
Để dễ hiểu hơn chúng ta cùng phân tích một ví dụ như hình minh họa bên dưới.
- Khi ta nhấn nút nguồn của remote tivi.
- Tín hiệu đó sẽ được gửi đến bộ nhận tín hiệu có relay ở bên trong tivi.
- Khi bộ nhận tín hiệu này nhận được tín hiệu nó sẽ đóng tiếp điểm của relay và cung cấp nguồn điện cho tivi.
➡Nhờ đó tivi được bật.
Relay cơ khí: là loại relay có tiếp điểm, thực hiện đóng, ngắt cơ học tiếp điểm thông qua tác động điện từ để điều khiển đóng ngắt tín hiệu, dòng điện hay điện áp.
Relay bán dẫn: là loại relay không có bộ phận chuyển động cơ học như tiếp điểm.Bên trong nó được cấu tạo bởi các linh kiện điện tử “chất bán dẫn” như là Triac, Mosfet.Việc đóng, ngắt tín hiệu, dòng điện hay điện áp nhờ vào hoạt động của mạch điện tử này.
- CẤU TẠO
Relay cơ khí có hai bộ phận chính:
- Bộ phận cuộn dây (sơ cấp): khi nó nhận được tín hiệu điện thì nó chuyển sang chuyển động cơ học. Có nghĩa là gì?
Khi chúng ta cấp nguồn cho cuộn dây, sẽ sinh ra một lực điện từ hút thanh sắt để đóng tiếp điểm lại.
Khi chúng ta ngắt nguồn của cuộn dây thì lực điện từ cũng mất đi, thanh sắt trở lại vị trí ban đầu, tiếp điểm cũng được ngắt đi.
Chuyển động hút nhả thanh sắt ở đây gọi là chuyển động cơ học.
- Bộ phận tiếp điểm (thứ cấp): điều khiển đóng ngắt mạch điện.
- NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG
Chúng ta hãy cùng phân tích nguyên lý hoạt động của relay cơ khí thông qua mạch sử dụng nút nhấn và relay cơ khí để điểu khiển bật, tắt bóng đèn.
- Đầu tiên chúng ta nhấn nút nhấn.
- Lúc này, dòng điện sẽ chạy qua sẽ chạy qua cuộn dây.
- Khi dòng điện chạy qua cuộn dây sẽ sinh ra từ trường trong lõi sắt.
- Từ trường này sinh ra lực điện từ hút thanh sắt về phía nó.
- Khi thanh sắt được hút về tiếp xúc với lõi sắt sẽ tác động làm cho tiếp điểm động sẽ di chuyển tiếp xúc với tiếp điểm cố định.
Lúc này tiếp điểm của relay sẽ được đóng lại.
- Tiếp điểm relay đóng lại sẽ cho phép dòng điện chạy qua bóng đèn và lúc này bóng đèn sẽ phát sáng.
- Tiếp theo, chúng ta nhả nút nhấn ra.
- Lúc này dòng điện chạy qua cuộn dây sẽ mất đi, dẫn đến từ trường cũng mất đi.
Do đó, lực điện từ cũng biến mất. Thanh sắt sẽ trở lại vị trí ban đầu của nó. Kéo theo tiếp điểm động cũng sẽ trở về vị trí ban đầu của nó.
- Tiếp điểm của relay bị ngắt đi thì dòng điện chạy qua bóng đèn cũng sẽ biến mất
Bóng đèn sẽ bị tắt đi.
Thông qua ví dụ này, các bạn đã hiểu được nguyên lý làm việc của relay rồi chứ!
Bài viết hôm nay chúng tôi xin phép dừng tại đây.
Hẹn các bạn trong bài viết tiếp theo chúng ta sẽ đi tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của relay bán dẫn.
Nếu có thắc mắc gì thì đừng ngại đặt câu hỏi cho bọn mình ở link bên dưới nhé!
Nguồn:
https://components.omron.com/jp-ja/products/basic-knowledge/relays
HBKV
Comments ()